Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận

Khi nhắc đến nhãn hiệu chứng nhận nhiều người không biết đó là gì, nhưng thật ra nó xuất hiện rất phổ biến trên thực tế. Đi đến đâu chúng ta cũng có thể nhìn thấy nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu chứng nhận được gắn trên hàng hóa, dịch vụ để công nhận về xuất xứ, nguyên liệu, chất lượng… Có thể kể đến các nhãn hiệu chứng nhận như: Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Cao su Việt Nam, Rau Đà Lạt, Gạo Krông Ana… Mỗi nhãn hiệu chứng nhận lại mang một đặc tính riêng, và để được pháp luật bảo hộ thì nhãn hiệu chứng nhận cần thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Visionlaw giới thiệu tới quý khách hàng bài viết về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận sau đây:

I. Căn cứ pháp lý

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

 

II. Nhãn hiệu chứng nhận là gì?

Nhãn hiệu chứng nhận được định nghĩa tại khoản 18 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, cụ thể:

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Từ định nghĩa trên có thể rút ra một vài nhận xét sau:

Thứ nhất. Nhãn hiệu chứng nhận không được sử dụng bởi chủ nhãn hiệu. Cá nhân, tổ chức được gắn nhãn hiệu chứng nhận phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nhãn hiệu chứng nhận và được sự đồng ý của chủ nhãn hiệu.

Thứ hai. Nhãn hiệu chứng nhận có thể sử dụng để chứng nhận nhiều tiêu chí khác nhau. Cụ thể: đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Thứ ba. Nhãn hiệu chứng nhận được một chủ thể đăng ký để chứng nhận cho hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân khác.

 

III. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chủ nhãn hiệu chứng nhận có thể tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức thực hiện dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện theo các bước sau:

Bước 1. Chuẩn bị đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Hồ sơ cần chuẩn bị để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bao gồm:

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý).

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

– Giấy ủy quyền, nếu đơn nộp thông qua đại diện.

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác.

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Bước 2. Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể được thực hiện theo hai hình thức:

Hình thức 1. Nộp đơn đăng ký giấy

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến một trong các địa điểm sau:

– Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký nhãn hiệu qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

Hình thức 2. Nộp đơn trực tuyến

Để nộp được đơn trực tuyến, người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.

Bước 3. Thẩm định hình thức

Thẩm định hình thức nhằm xác định tính hợp lệ của đơn đăng ký nhãn hiệu. Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu, sẽ xảy ra hai trường hợp với đơn đăng ký:

Thứ nhất, đơn đăng ký không hợp lệ. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục sau:

– Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối.

– Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 109 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019.

Thứ hai, đơn đăng ký hợp lệ hoặc người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Thời gian thẩm định hình thức không quá 01 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

Sau khi đơn đăng ký đã được chấp nhận hợp lệ thì sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Thời gian công bố đơn đăng ký nhãn hiệu không quá 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Bước 4. Thẩm định nội dung

Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhằm đánh giá khả năng cấp văn bằn bảo hộ.

Thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Bước 5. Nhận Giấy chứng nhận

Việc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được đặt ra khi đơn đăng ký nhãn hiệu không thuộc các trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và người nộp đơn nộp lệ phí. Khi đó, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.

3. Phí đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cần phải nộp các khoản phí sau:

– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ

– Phí tra cứu phục vụ TĐND: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.

Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hoặc không tự làm được thủ tục với cơ quan quản lý hãy liên hệ với luật Visionlaw để các chuyên viên tư vấn và hỗ trợ dịch vụ cho bạn giúp giảm thời gian và những phát sinh pháp lý liên quan.

Cảm ơn bạn!

 

CÔNG TY TNHH VISIONLAW VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: Số 5, Ngách 69B/45/18 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

Số điện thoại: 0919 559 566

Email: luatvisionlaw@gmail.com