Các hạn chế đầu tư theo quy định pháp luật

Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định cúa Pháp luật về đầu tư hiện hành. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam bảo lưu quyền quốc gia trong việc cấm hoặc hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực nhậy cảm.

 

 

I. Hạn chế về ngành nghề kinh doanh

Về cơ bản, nhà đầu tư có quyền tự chủ để tự quyết định và thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh, ngoài các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy hoặc mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục cấm; kinh doanh mại dâm; mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người và kinh doanh pháo nổ (khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư năm 2014).

Cac Han Che Dau Tu Theo Quy Dinh Cua Phap Luat
Các hạn chế đầu tư theo quy định pháp luật
Việc hạn chế đầu tư cũng được thực hiện thông qua quy định về “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư năm 2014).Phụ thuộc vào từng ngành, nghề cụ thể, các điều kiện đầu tư kinh doanh có thể được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây:

– Điều kiện về giấy phép (Ví dụ: Giấy phép hoạt động giáo dục hoặc giấy phép hoạt động điện lực…);

– Điều kiện về giấy chứng nhận đủ điều kiện (Ví dụ: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng ..);

– Điều kiện về chứng chỉ hành nghề (Ví dụ: Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng,….);

– Điều kiện về chứng nhận bảo đảm trách nhiệm nghề nghiệp (Ví dụ: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc đối với kiến trúc sư, luật sư, thẩm định giá…

– Điều kiện về văn bản xác nhận (Ví dụ: Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm…)

– Các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật;

– Các điều kiện và nhà đầu tư phải đáp ứng mà không cần phải có các xác nhận, chấp thuận dưới hình thức văn bản nêu trên (Ví dụ: Điều kiện về suất đầu tư tối thiểu và cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục; điều kiện vốn pháp định và cơ cấu cổ đông trong các công ty chứng khoán quản lý quỹ; điều kiện về hạn chế số lượng thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tầu biển treo cờ Việt Nam thuộc sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải biển có vốn đầu tư nước ngoài, vv..)

Các điều kiện kinh doanh được thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau gồm có (khoản 2, Điều 10 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP): Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; điều kiện về hình thức đầu tư; điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư; điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư; Và; hoặc điều kiện cụ thể khác theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, các nhân khác không được ban hành quy định về đầu tư kinh doanh. Quy định này sẽ ngăn chặn việc các cơ quan khác ngoài quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội và Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách tùy tiện và chồng chéo. Trong quá trình tư vấn đầu tư và thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi (các luật sư) phải rà soát các văn bản pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần phải tham khảo ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đó trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài (khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014).

Liên quan tới các điều kiện được áp dụng trên cơ sở các điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia, các điều kiện cơ bản được quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ trong các văn bản gia nhập WTO của Việt Nam. Các điều kiện ít hạn chế hơn dành cho nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước ASEAN được quy định trong hệ thống các văn bản của cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư được lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước. Trường hợp đã lựa chọn một điều ước quốc tế thì nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của điều ước quốc tế đó. Trong quá trình cấp phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.

> có thể bạn quan tâm: Quy trình thủ tục cấp phép đầu tư

 

II. Hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn
Pháp luật về đầu tư hiện hành của Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong các công ty tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây (khoản 3 Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014)

– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

– Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mặc dù Luật Đầu tư năm 2014 cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trừ trường hợp nêu tại hai trường hợp đầu, tuy nhiên cần lưu ý rằng quy định tại trường hợp thứ ba sẽ mở rộng phạm vi hạn chế sở hữu đầu tư nước ngoài bằng cách dẫn chiếu đến các quy định cụ thể khác hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong lĩnh vực ngân hàng, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại tại Việt Nam; trong lĩnh vực chứng khoán, nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài không đáp ứng được các điều kiện bắt buộc theo quy định tại khoản 10 Điều 71 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và luật sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 và Nghị định số 86/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 chỉ được sở hữu dưới 51% vốn điều lệ của một tổ chức kinh doanh chứng khoán. Bên cạnh đó, theo biểu cam kết cụ thể về Thương mại dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng áp đặt hạn chế sở hữu nước ngoài trong một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh. Ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 51% vốn pháp định của công ty liên doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, dịch vụ phát hành phim và dịch vụ chiếu phim; và 49% đối với công ty liên doanh trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư vào các ngành, nghề khác nhau thì nhà đầu tư phải đáp ứng toàn bộ điều kiện đầu tư trong các ngành nghề đó, bao gồm cả việc đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá mức cao nhất trong các ngành, nghề (mà doanh nghiệp đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do đó, trong quá trình tư vấn đầu tư và thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài, luật sư cần phải rà soát các quy định có liên quan của Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế đa phương và song phương nổi bật (Ví dụ, Biểu cam kết về dịch vụ trong các văn bản gia nhập WTO của Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc …) để xác định tỷ lệ hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng cho các ngành, nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp.

 

III. Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện
Như đã trình bầy, Việt Nam bảo lưu quyền quốc gia trong việc cấm hoặc hạn chế đầu tư vào một số lĩnh vực nhậy cảm. Tuy nhiên, các hạn chế này lại được quy định rải rác trong các văn bản pháp luật chuyên ngành hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong nỗ lực tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng hơn, các cơ quan có thẩm quyền đã và từng bước rà soát, tập hợp danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dưới cả hình thức văn bản pháp luật và hệ thống cổng thông tin trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong việc xác định các hạn chế áp dụng đối với đầu tư.

Cụ thể, Quốc hội đã ban hành “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” kèm theo phụ lục 4 của Luật Đầu tư năm 2014, liệt kê 267 ngành, nghề mà khi tiến hành đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực này, nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) sẽ phải đáp ứng các điều kiện đặc thù được quy định cụ thể trong các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Từ ngày 01/01/2017, danh mục ngành nghề đã được rút gọn xuống còn 243 ngành nghề theo quy định của Luật số 03/2016/QH14 ngày 22/11/2016.

Danh mục ngành nghề và điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài được khái quát hóa thành các ngành lớn, mỗi ngành lớn lại được phân chia thành các phân ngành cụ thể hơn phù hợp với các hoạt động đầu tư, kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Một số phân ngành lớn như: Dịch vụ chuyên môn; Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan; Dịch vụ nghiên cứu và phát triển; Dịch vụ thông tin; Dịch vụ nghe nhìn…

Trong trường hợp các quy định về ngành, nghề và điều kiện về đầu tư, kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài có sự thay đổi theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư có liên quan, các danh mục nêu trên sẽ được điều chỉnh, cập nhật tương ứng. Trong quá trình nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, nhà đầu tư cần đối chiếu các danh mục đã được hệ thống hóa, cần nhờ các luật sư nước sở tại rà soát các quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật và điều ước quốc tế về đầu tư để bảo bảo đảm không bỏ sót các điều kiện về đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu bạn vẫn còn thắc mắc hoặc không tự làm được thủ tục với cơ quan quản lý hãy liên hệ với luật Visionlaw để các chuyên viên tư vấn và hỗ trợ dịch vụ cho bạn giúp giảm thời gian và những phát sinh pháp lý liên quan.

Cảm ơn bạn!

 

CÔNG TY TNHH VISIONLAW VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: Số 5, Ngách 69B/45/18 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội

Số điện thoại: 0919 559 566

Email: luatvisionlaw@gmail.com